Bối cảnh Trận_Mindanao

Chiến dịch Mindanao được xem là trở ngại cực kì lớn đối với lực lượng Hoa Kỳ. Mà chủ yếu là do ba nguyên nhân chính sau: điều kiện địa hình trắc trở; hệ thống phòng thủ trải dài của quân Nhật; và sức mạnh của lực lượng Nhật đóng trên đảo, vốn là nơi tập trung chủ yếu số binh lính chiến đấu còn lại tại Philippines.

Giống như phần lớn các hòn đảo khác thuộc quần đảo Philippines hay các nơi khác ở chiến trường Thái Bình Dương nơi quân Mỹ đổ bộ, địa hình của Mindanao hòn đảo có diện tích lớn thứ hai thuộc Philippines ít khi tạo điều kiện thuận lợi cho một cuộc tấn công của quân Mỹ. Đường bờ biển khúc khuỷu có hình dáng bất thường trong khi địa hình bên trong đất liền đặc trưng bởi nhiều đồi núi hiểm trở. Thêm vào đó là những khu rừng mưa nhiệt đới rậm rạp cùng vô số con sông đầy rẫy cá sâu cư trú xe kẽ bởi các đầm lầy, hồ nước và đồng cỏ. Trong những vùng đồng cỏ xuất hiện các khu rừng dày đặc cây abacá (một loại chuối đặc hữu ở Philippines) vốn hạn chế tầm nhìn xuống mức tối thiểu khiến cho cuộc hành quân của lực lượng Hoa Kỳ bội phần khó khăn.

Bên cạnh đó số lượng ít ỏi các con đường ở đảo Mindanao cũng làm phức tạp hơn vấn đề hành quân. Hai trong số đó, được gọi với cái tên chung là đường cao tốc số 1, chạy cắt ngang phần phía Nam của hòn đảo, ngay phía Nam thị trấn Parang trên vịnh Illana ở hướng Tây đến Digos trong vịnh Davao ở hướng Đông và sau đó đi về hướng Bắc tới Davao. Về phần đường cao tốc Sayre là con đường chính thông thương giữa phía Bắc và phía Nam đảo, bắt đầu tạu Kabacan, đi giữa vịnh Illana và vịnh Davao, rồi chạy về hướng Bắc qua các ngọn núi Bukidnon và vịnh Macajalar (qua tỉnh Misamis Oriental) đến bờ biển phía Bắc.

Trên đảo, lực lượng phòng thủ Nhật tập trung xung quanh khu vực vịnh Davao, nơi đây được đặt mìn dày đặc nhằm đẩy lùi lực lượng đổ bộ, và ở thành phố Davao lớn nhất và quan trọng nhất của đảo Mindanao. Các khẩu pháo và súng phòng không được bố trí rộng khắp hệ thống phòng thủ dọc bờ biển. Người Nhật dự đoán rằng quân Mỹ sẽ tấn công thành phố từ hướng vịnh Davao và lường trước được kết quả sau cùng thì họ cũng sẽ bị đẩy lùi khỏi thành phố. Do đó quân Nhật đã chuản bị cho cuộc đối đầu sắp tới bằng việc thiết lập các boong ke nằm sâu trong đất liền sau vành đai phòng thủ vòng ngoài để có thể rút lui khỏi thành phố và tái tập hợp dễ dàng với dự định kéo dài cuộc chiến càng lâu càng tốt.

Chiến dịch VICTOR V

Ngày 10 tháng 3-1945, Tập đoàn quân số 8 do Trung tướng Robert L. Eichelberger chính thức nhận lệnh Tướng Douglas MacArthur tấn công đảo Mindanao, với sự kiện mở màng là chiến dịch VICTOR V, dự định ban đầu là hoàn thành chiến dịch trong vòng 4 tháng. Eichelberger đã tỏ ra nghi ngờ về tính khả thi của thời gian biểu đặt ra cho chiến dịch, nhưng dù sao, các nhân viên dưới quyền của ông cũng đã đề ra một kế hoạch hiệu quả hơn.

Thay vì đối đầu trực tiếp với quân Nhật đang chờ sẵn trên bờ biển trải dài bên vịnh Davao, quân Hoa Kỳ lại lựa chọn vịnh Illana làm nơi đổ bộ lên bờ biển không được phòng thủ ở phía Tây, sau đó hành quân về hướng Đông hơn 100 dặm (160 km) băng qua vùng rừng núi để tấn công từ phía sau đối phương. Mục đích của cuộc hành quân là khiến cho quân Nhật bị bất ngờ, nhân đó thọc sâu và làm rối loạn hàng ngũ quân địch. Với kế hoạch này, Eichelberger quyết định giành thế chủ động và đập tan tinh thần quân Nhật ngay từ đầu. Chìa khóa thành công của chiến dịch là khả năng của các lực lượng tham gia cuộc đổ bộ di chuyển nhanh chóng và chớp lấy thời cơ, giành ưu thế tuyệt đối trước đối phương, trước khi mùa mưa bắt đầu sẽ khiến cho cuộc hành quân thêm phần khó khăng.

Các chiến dịch trên bộ được giao cho Quân đoàn X dưới quyền Thiếu tướng Franklin C. Sibert, cùng với Sư đoàn 24 Bộ binh Thiếu tướng Roscoe B. Woodruff và Sư đoàn 31 Bộ binh do Thiếu tướng Clarence A. Martinas làm lực lượng chiến đấu chính. Nhóm nhiệm vụ đổ bộ 78.2 do Chuẩn Đô Đốc Albert G. Noble, được giao nhiệm vụ hộ tống Sư đoàn 24 và cả sở chỉ huy của Quân đoàn X đến các bãi biển gần Malabang ngày 17 tháng 4 để chiếm các sân bay tại đây. 5 ngày sau, Sư đoàn 31 tiến đến Parang, 20 dặm (30 km) về phía Nam gần đường cao tốc số 1 dẫn tới Davao.